NHỮNG BÀI GIÁO HUẤN VỀ ĐỨC MARIA
Lm Phan Tấn Thành, OP dịch
BÀI 3
DUNG NHAN THÂN MẪU ĐẤNG CỨU THẾ
Trong những thế kỷ đầu tiên, Đức Maria được nhìn trong tương quan với Ngôi Lời Nhập thể, với các tước hiệu “Thân mẫu Đức Giêsu, Thân mẫu Thiên Chúa”. Dần dần các tín hữu để ý đến sự hợp tác của Người vào công trình cứu độ của Đức Kitô; từ đó Người được nhìn nhận như là “Thân mẫu Đấng Cứu chuộc”, “Kẻ đồng thụ nạn”, “Mẹ tinh thần của nhân loại”. Ý nghĩa của những đề tài này sẽ được khai triển trong các bài 47-50.
1.- Khi nói rằng “Đức Trinh nữ Maria được nhìn nhận và tôn kính như là Thân mẫu Thiên Chúa , Thân mẫu Đấng Cứu thế.” (HT 53), Công đồng đã muốn chúng ta chú ý tới mối liên hệ giữa chức làm mẹ của Đức Maria với ơn Cứu độ.
Sau khi đã ý thức vai trò làm mẹ của Đức Maria, – đã được đạo lý và phụng tự của các thế kỷ đầu tiên tôn kính như là Mẹ trinh khiết của Đức Giêsu Kitô và là Mẹ của Thiên Chúa -, sang thời Trung cổ lòng đạo đức và suy tư thần học của Hội thánh đã đào sâu sự cộng tác của Đức Maria vào công trình của Chúa Cứu thế.
Có thể giải thích lý do của sự chậm trễ này ở chỗ các Giáo phụ và các Công đồng đầu tiên của Hội thánh chú trọng tới mầu nhiệm về bản thể của Đức Kitô cho nên đã bỏ qua những khía cạnh khác của tín điều. Dần dần chân lý mạc khải mới có thể được phát biểu với tất cả nội dung phong phú của nó. Trải qua các thế kỷ, thần học về Đức Maria (Thánh mẫu học) luôn luôn hướng về thần học về Đức Kitô (Kitô học). Chân lý về Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa được Công đồng Êphêsô công bố nhằm khẳng định một ngôi vị duy nhất của Đức Kitô. Một điều tương tự như vậy đã xảy ra khi đào sâu sự hiện diện của Đức Maria trong chương trình cứu độ.
2.- Vào cuối thế kỷ thứ II, thánh Irênêô, môn đệ của ông Pôlicapô, đã nêu bật sự đóng góp của Đức Maria vào công trình cứu chuộc. Thánh Irênêô đã hiểu biết giá trị của sự ưng thuận của Đức Maria vào lúc Truyền tin, khi ông nhận thấy sự vâng lời và sự tín thác của Trinh nữ Maria vào sứ điệp truyền tin như là phản chứng hoàn toàn với sự bất tuân và bất tín của bà Evà, mang lại hiệu quả may lành cho số phận nhân loại. Thật vậy, cũng như bà Evà đã gây ra sự chết thì Đức Maria với lời “xin vâng” đã trở thành “nguyên nhân cứu rỗi” cho chính mình và cho tất cả nhân loại (xc. Chống lại các lạc giáo 3.22,4). Tuy nhiên đây chỉ là một ý kiến chưa được các giáo phụ khác khai triển.
Vào cuối thế kỷ thứ X, đạo lý này được phát biểu một cách có hệ thống lần đầu tiên trong quyển “Cuộc đời Đức Maria” do một đan sĩ Byzantin tên là Gioan Geometra. Ở đây Đức Maria đã được liên kết với Đức Kitô, theo chương trình của Thiên Chúa, trong suốt công trình cứu độ, qua việc thông dự vào thập giá và chịu đau khổ vì phần rỗi của chúng ta. Người đã kết hiệp với Đức Kitô “trong hết mọi hành động, thái độ và ý muốn”. Đức Maria đã kết hợp vào công trình cứu độ của Đức Giêsu bằng tình yêu của một bà mẹ, một tình yêu được ân sủng thúc đẩy và tăng thêm sức mạnh siêu việt: người không có mê đắm thì lại tỏ ra động lòng trắc ẩn hơn cả.
3.- Bên Tây phương, Thánh Bênađô (qua đời năm 1153), đã hướng về Đức Maria và chú giải cảnh dâng hiến Đức Giêsu trong đền thờ như sau: “Thánh Trinh nữ ơi, xin hãy dâng Con của Người, xin hãy dâng tiến cho Thiên Chúa hoa trái của lòng mình. Vì sự hòa giải của chúng con xin hãy dâng lên hy lễ thánh thiện đẹp lòng Chúa, để cho chúng con được hòa giải với tất cả mọi người” (Bài giảng 3 nhân lễ Thanh tẩy, số 2)
Một đồ đệ và bạn thân của thánh Bênađô, ông Arnalđô Chartres, đã nêu bật sự dâng hiến của Đức Maria trong hy lễ núi Calvariô. Ông ta đã phân biệt ở nơi thập giá “hai bàn thờ: một bàn thờ ở trong trái tim của Đức Maria, một bàn thờ ở nơi thân xác của Đức Kitô. Đức Kitô đã hiến tế xác của mình còn Đức Maria đã hiến tế hồn của mình”. Đức Maria đã hiến tế trong tinh thần qua việc kết hiệp sâu sắc với Đức Kitô và khẩn cầu ơn cứu rỗi cho thế giới : “Điều mà bà mẹ kêu xin thì Con chuẩn y và Cha đã trao ban” (Bảy lời của Chúa trên Thập giá).
Từ đó trở đi, các tác giả đã trình bày đạo lý về sự cộng tác đặc biệt của Đức Maria vào hy lễ cứu chuộc.
4. Đồng thời, đề tài về Đức Maria “đồng thụ nạn” đã được phát triển trong phụng tự và lòng đạo đức bình dân, đặc biệt qua những bức tượng vẽ Đức Maria chịu đau khổ. Sự tham dự của Đức Maria vào bi kịch thập giá đã biến cho biến cố này trở thành hết sức đậm tình người và giúp cho các tín hữu đi sâu vào mầu nhiệm: sự đồng khổ của bà mẹ giúp hiểu biết thêm cuộc khổ hình của Người Con.
Với việc tham dự vào công trình cứu chuộc của Đức Kitô, Đức Maria được nhìn nhận như là bà mẹ thiêng liêng của hết mọi người. Bên Đông phương, ông Gioan Geometra thưa với Đức Maria như sau: “Người là mẹ của chúng con”. Khi tạ ơn Đức Maria “vì những khổ hình và đau khổ đã chịu đựng vì chúng con” ông ta đã vạch lên tình hiền mẫu và những đặc trưng của một bà mẹ đối với hết những kẻ được lãnh nhận ơn cứu chuộc.
Bên Tây phương, đạo lý về tình mẹ thiêng liêng được phát triển với thánh Anselmô khi ông ta quả quyết rằng: “Bà là mẹ… của sự hòa giải và của những người được hòa giải, mẹ của sự cứu độ và những người được cứu độ” (xc. Oratio 52,8).
Đức Maria không ngừng được tôn kính như là Thân mẫu Thiên Chúa, nhưng sự kiện Người trở thành mẹ của chúng ta đã mang lại cho chức vụ làm Mẹ Thiên Chúa của Người một khuôn mặt mới và mở ra cho chúng ta con đường kết hiệp thắm thiết hơn với Người.
5.- Chức hiền mẫu của Đức Maria đối với chúng ta không phải chỉ bao gồm một mối liên hệ về tình cảm mà thôi: nhờ những công trạng và nhờ lời cầu bầu, Người đã đóng góp hữu hiệu vào việc chúng ta được sinh ra về tinh thần và vào sự tăng trưởng đời sống ơn thánh nơi chúng ta. Vì lý do đó Đức Maria đã được gọi là: “Mẹ của ân sủng”, “Mẹ của sự sống”.
Tước hiệu “Mẹ của sự sống” đã được thánh Grêgôriô Nissênô sử dụng và được ông Guerrico Igny (qua đời năm 1157) giải thích như sau: “Người là Mẹ của Sự Sống nhờ đó tất cả mọi người được sống: khi sinh ra Sự Sống này, thì một cách nào đó Người đã sinh hết những người sẽ được sống. Duy chỉ một người đã được sinh ra, nhưng tất cả chúng ta đã được tái sinh” (In Assumptione I,2).
Một bản văn thuộc thế kỷ thứ XIII, mang tựa là “Mariale”, đã dùng một hình ảnh rất táo bạo khi gọi việc tái sinh chúng ta là “một cuộc sinh đẻ đau đớn” trên núi Calvariô, nhờ đó “Người trở thành bà mẹ tinh thần của tất cả nhân loại”; thật vậy “trong lòng dạ trinh trắng của mình Người đã thụ thai, bằng sự đồng khổ nạn, tất cả các con cái của Hội thánh”
6.- Công đồng Vaticano II, sau khi đã khẳng định rằng Đức Maria “đã cộng tác một cách hết sức đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu chuộc…”, đã kết luận như sau: “vì thế mà đối với chúng ta Người đã trở thành bà mẹ trong hệ trật ân sủng” (HT 61) và như vậy, công đồng đã xác nhận tâm tình của Hội thánh nhìn Đức Maria bên cạnh Con mình như là bà Mẹ tinh thần của toàn thể nhân loại.
Đức Maria là mẹ của chúng ta: chân lý đầy an ủi này, – được Hội thánh trình bày càng ngày càng rõ rệt và sâu đậm -, đã và còn nâng đỡ đời sống thiêng liêng của tất cả chúng ta và khích lệ chúng ta hãy tin tưởng và hy vọng kể cả những lúc đau khổ.